Triết học thời kỳ Phục Hưng Triết_học_phương_Tây

Vẻ đẹp của con người được tôn vinh và được đặt làm trung tâm trong chủ nghĩa nhân văn.

Thời kỳ Phục Hưng - "khôi phục lại sự hưng thịnh" - là một giai đoạn đỉnh cao về mặt văn hóa với sức sáng tạo vượt bậc trên nhiều lĩnh vực. Thời kỳ này bắt nguồn từ Florence vào thế kỷ 14 rồi sau đó lan tỏa đến khắp châu Âu và có ảnh hưởng cho đến thế kỷ 17, đây được coi là cầu nối giữa thời kỳ Trung Cổ và thời kỳ hiện đại. Các tác phẩm kinh điển Hy Lạp và Latin được hồi sinh trở lại và nở rộ trong cộng đồng, ở cả khía cạnh toán học và triết học, làm lung lay ảnh hưởng của Cơ Đốc giáo.[65] Và cũng trong quá trình chuyển biến này, Chúa Trời không còn là trung tâm của thế giới nữa, vị trí này giờ dành cho chính con người; câu hỏi "chúng ta sẽ là gì khi sang thế giới bên kia" trở thành "ta đang trải nghiệm gì ở thời điểm hiện tại".[66] Phong trào lấy con người làm trung tâm này được gọi là chủ nghĩa nhân văn.[65]

Một trong những đón chí tử giáng vào uy quyền của giáo hội đến từ khoa học. Sự phát triển của những quan sát khoa học, đặc biệt đến từ những đại biểu như Bruno hay Galilei, đã làm đảo lộn hệ thống giáo lý đã được Giáo hội đưa ra trong nhiều thế kỷ trước đó. Triết học và khoa học cũng chồng lấn lên nhau rất nhiều trong giai đoạn này; nhiều triết gia nổi tiếng ở châu Âu giai đoạn này cũng đồng thời là những nhà khoa học lỗi lạc.[65][67]

Thời điểm này cũng chứng kiến sự trỗi dậy của hai trường phái lập luận đối lập nhau. Tại lục địa châu Âu, nhiều nhà triết học và toán học vĩ đại như Descartes, PascalLeibniz tin rằng: lí luận là cách thức tốt nhất để có thể đạt được tri thức. Chủ nghĩa cho rằng kiến thức chỉ có thể đến từ việc lí luận này được gọi là chủ nghĩa duy lí. Ở bờ bên kia, các một số những nhà triết học nổi tiếng ở Anh quốc như John Locke hay Berkeley lại cho rằng, kinh nghiệm mới là chìa khóa để đạt được tri thức; chủ nghĩa nhấn mạnh đến vai trò của kinh nghiệm (chứ không phải lí tính) này được gọi là chủ nghĩa duy nghiệm. Mặc dù khác biệt nhau về mặt tư tưởng, chủ nghĩa duy lí và duy nghiệm đều đặt con người vào trung tâm và cho rằng con người có thể đạt được tri thức, dù là qua lập luận hay trải nghiệm.[68]

Nhiều tư tưởng triết học của thời kỳ này cũng bàn về luân lí và chính trị và đưa ra nhiều học thuyết phi thường về mô hình xã hội.[68]

Một số học thuyết về chính trị

Machiavelli

Được người dân sợ thì an toàn hơn so với được người dân yêu quý...
— Machiavelli, trích từ Quân Vương
Chân dung của Niccolò Machiavelli, được vẽ bởi Santi di Tito

Machiavelli được sinh tại Florence vào năm 1469 và ta không có nhiều thông tin về 28 năm đầu của cuộc đời ông. Ông từng tham gia vào chính sự và hoạt động ngoại giao của thành Florence. Machiavelli cũng đã gặp Cesare Borgia, đứa con ngoài giá thú của Giáo hoàng Alexander VI. Mặc dù Cesare là kẻ thù của thành bang Florence, Machiavelli ấn tượng và ngưỡng mộ trước nhiệt huyết và trí thông minh của ông.[69][70] Năm 1512, người Tây Ban Nha giải thể chính quyền thành bang và gia tộc Medici trở lại cai trị và thiết lập nền chuyên chế. Sự trở lại của gia tộc Medici đáng nhẽ ra có thể là một cơ hội lớn cho Machiavelli nhưng ông lại bị hiểu nhầm là có liên quan đến một âm mưu tạo phản và bị tra tấn cũng như cầm tù. Chính trong thời gian này, ông đã viết tác phẩm để đời của mình: Quân Vương, để dâng cho nhà Medici.[69][70]

Mặc dù tương đối ngắn, Quân Vương là tác phẩm chính trị nổi tiếng nhất vào thời Phục Hưng và đã cái tên Machiavelli đi vào lịch sử.[69] Rất khác so với những luận văn bàn về chính trị khác, tác phẩm này không bàn về một mô hình xã hội lý tưởng hay những phẩm chất của một người lãnh đạo tốt; thay vào đó, nó đưa ra hình mẫu mà các nhà cai trị nên trở thành. Một trong những chủ đề lớn của tác phẩm đó là, nhà cai trị nên cố gắng để trông có vẻ đức hạnh, hơn là thực sự sở hữu những giá trị đạo đức như vậy. Để trở thành một quân vương, một người phải thể hiện rằng mình ủng hộ sự tự do; nhưng tại văn phòng và bàn làm việc, tự do là một trong những thứ cần phải tránh. Một quân vương nên thể hiện mình là một người vị tha hơn là một người độc ác; nhưng thực sự, được người dân kính sợ thì an toàn hơn nhiều so với được người dân yêu quý. Dù vậy, một nhà cai trị khôn ngoan vẫn nên tránh gieo những tai ương và oán hận không cần thiết vì đó có thể là nguồn gốc cho sự bạo loạn.[69] Mục đích sẽ biện minh cho phương tiện, người quân vương không nên để những giá trị luân lý và đạo đức cản trở mình để đạt được thành công cho chính mình và cho nhà nước.[71]

Dù những ý tưởng của Machiavelli được thể hiện rất rõ ràng qua cuốn sách, nhưng không ai dám chắc điều mà Machiavelli thực sự muốn truyền tải. Một trong những lý do đó là ông đã viết Quân Vương bằng tiếng Ý, thứ ngôn ngữ bình dân, chứ không phải là tiếng Latinh dành cho tầng lớp cai trị.[72] Thủ tướng Ý khét tiếng Mussolini mô tả Quân Vương là "chỉ dẫn tối cao cho chính trị gia.[73] Ngày nay, có một từ tiếng Anh mang tên Machiavelli: "Machiavellian", được sử dụng để mô tả những hành động gian trá, mưu mô xảo quyệt, như vậy cũng đủ thấy rằng ảnh hưởng của ông là rất sâu rộng.[73]

Utopia của More

Trang bìa của tác phẩm Utopia, được viết bởi Thomas More

Thomas More là một người nhiệt thành theo chủ nghĩa nhân văn và Utopia là tác phẩm nổi tiếng nhất mà ông để lại. Cuốn sách này, được viết bằng tiếng Latinh, mô tả sinh động một vùng đất thịnh vượng không có thật và rất phù hợp ở thời điểm bấy giờ khi công chúng đều đang mong ngóng tin tức từ những miền đất mới được khai phá.[74]

Utopia ("Miền đất không tưởng" hoặc "Địa đàng mặt đất" trong tiếng Việt) là một hòn đảo có 54 thành phố với 6000 ngôi nhà.[74] Mỗi ngôi nhà đều có một mảnh ruộng riêng và việc làm đồng sẽ được phân chia luân phiên giữa các thành viên. Tại mỗi thành phố, nhà ở sẽ được chuyển luân phiên mỗi 10 năm và không có tài sản riêng tư, mọi thứ thậm chí còn không cần phải khóa hay bảo vệ. Mọi công dân, bên cạnh việc đồng áng, sẽ phải học một môn thủ công; tất cả mọi người đều phải lao động nhưng thời gian lao động chỉ là 6 tiếng một ngày. Vì không có những kẻ ăn bám nên công việc được chia sẻ giữa mỗi người và trở nên nhẹ nhàng hơn, mọi người do vậy sẽ có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn để nghỉ ngơi và sinh hoạt văn hóa.[74] Chỉ có một số rất ít người không nằm trong hệ thống này, như là các học giả, tăng lữ hoặc nhà quản lý, những người sẽ giúp điều phối cộng đồng. Về tổng thể, Utopia là một vùng đất thân thiện và chào đón mọi người; và có một sự thật là nơi đây chưa bao giờ ngừng những bài ca về sự hòa hợp và hạnh phúc.[75]

Giống như tác phẩm chính trị nổi tiếng thời cổ đại là Cộng hòa của Plato, Utopia vẽ nên một xã hội sống động và đầy cuốn hút; và qua đó châm biếm một số hiện trạng của xã hội. Nhưng cũng giống như Plato, More để cho người đọc suy nghĩ xem bao nhiêu ý tưởng trong cuốn sách là những đề xuất chính trị nghiêm túc, và bao nhiêu trong số đó chỉ đơn thuần chế giễu sự méo mó của thế giới hiện tại.[76] Nhiều học giả cho rằng, ý tưởng về một thế giới không tưởng như Utopia là một trong những nguồn cảm hứng cho chủ nghĩa cộng sản sau này.[77]

Triết học chính trị của Thomas Hobbes

Trang bìa tác phẩm Leviathan của Thomas Hobbes. Trên cơ thể của nhân vật lớn trung tâm là rất nhiều những con người nhỏ hơn, thể hiện một phần chủ đề của tác phẩm.

Thomas Hobbes là một nhà triết học duy nghiệm tại Anh. Trong khoảng thời gian ở Paris để tránh chiến tranh, ông đã viết nên tác phẩm nổi tiếng nhất của mình, Leviathan. Không chỉ là một trong những kiệt tác viết về chính trị, Leviathan cũng đồng thời là một trong những áng văn xuôi vĩ đại nhất được viết bằng tiếng Anh. [78]

Leviathan nói về những tương tác dẫn đến việc hình thành nên một Nhà nước. Hobbes bắt đầu bằng cách mô tả cuộc sống của con người nếu như đặt ngoài sự kiểm soát của nhà nước; nói theo một cách khác, mọi vật đều ở trong một trạng thái nguyên thủy, tự nhiên. Vì tất cả mọi người có khả năng và sức mạnh tương tự nhau, và đồng thời cũng có những ham muốn tương tự nhau, những cuộc cạnh tranh không khoan nhượng để giành lấy tài sản, quyền lực và danh vọng sẽ không bao giờ chấm dứt. Hobbes viết một cách sống động về trạng thái tự nhiên này:[78]

không có một hiểu biết nào về mặt đất; không có ý niệm về thời gian; không có nghệ thuật; không có chữ viết; không có xã hội; và, tệ nhất trong tất cả, [luôn có] ám ảnh và nguy hiểm dai dẳng về một cái chết tàn khốc; và cuộc đời của con người, [do đó sẽ] cô độc, nghèo đói, khổ sở, tàn bạo và ngắn ngủi.[79]

Về mặt lịch sử, chúng ta không biết một trạng thái nguyên thủy như vậy có tồn tại ở đâu trên thế giới này không, nhưng Hobbes cho rằng, ta có thể thoáng thấy những đặc điểm của nó tại những bộ tộc ở vùng đất Tân Thế giới mới được khám phá hoặc ngay cả tại những nơi văn minh, mỗi người cũng luôn đề phòng và cẩn trọng với những người xung quanh. Trong trạng thái nguyên thủy như vậy, không hề có luật pháp thực sự, nhưng có tồn tại cái gọi là "luật tự nhiên" dưới dạng những nguyên tắc về ham muốn hoặc những công thức giúp tăng cơ hội sống sót.[79] Những luật này thúc giục con người trong trạng thái tự nhiên tìm đến hòa bình và sự ổn định, và do vậy, họ sẽ từ bỏ một số sự tự do của mình với điều kiện những người khác cũng làm như vậy. Từ đó, dần dần, con người sẽ dâng tất cả những quyền của mình, trừ quyền được tự vệ, đến một quyền lực trung tâm có thể áp dụng luật tự nhiên dưới dạng sự trừng phạt.[80]

Nền chuyên chế được hình thành bằng sự thỏa thuận giữa mỗi người với mọi người khác; mỗi cá nhân đều sẽ từ bỏ quyền của mình với điều kiện những người khác cũng làm điều tương tự. Hobbes viết: "Điều này được hoàn thành, số đông như vậy sẽ quy về một người duy nhất, đó là Nhà nước. Đây chính là thứ sẽ tạo nên [con thủy quái] Leviathan, hay nếu nói một cách cung kính hơn, đó là tạo nên một vị thần trên trần thế, chúng ta nợ (...) con người này hòa bình và sự bảo vệ [mà chúng ta đang có]."[80]

Triết học vật lý và sự phát triển của khoa học

Mô hình thuyết nhật tâm trong cuốn Về chuyển động quay của các thiên thể của Copernic.

Một trong những bước tiến lớn của triết học vào thế kỷ 16 đó chính là sự phân tách giữa triết học tự nhiêntriết học vật lý. Cả hai môn học này có chung mục tiêu là tìm hiểu những vật chất xung quanh; nhưng bộ môn vật lý khoa học thì phát triển bằng cách quan sát và đưa ra các mô hình giả thiết chứ không dựa vào những kiến thức tiên nghiệm hoặc những lập luận về mặt khái niệm. Khi khoa học ngày càng phát triển, vai trò của triết học trong lĩnh vực này cũng ngày càng mờ nhạt, cũng giống như chính bộ môn triết học tự nhiên vậy.[81]

Ta có thể hiểu rõ hơn sự tách biệt này qua hai đại biểu lớn về thiên văn học của thời kỳ này là BrunoGalileo. Cả hai nhân vật mà ta nhắc đến đều quan tâm đến những bài viết của Copernicus với ý tưởng mang tính cách mạng: Trái Đất quay xung quanh mặt trời chứ không phải ngược lại. Nhưng có một sự khác biệt rất lớn giữa Bruno và Galileo khi mỗi người phát triển lý thuyết nhật tâm này.[81]

Bruno

Giordano Bruno là một học giả phiêu bạt ở nước Ý và ông cũng từng là một tu sĩ theo dòng Đa Minh. Bruno lập luận rằng, thế giới tự nhiên là vô hạn, không có bờ hay một giới hạn nào cả. Trong khoảng không gian vô tận này là rất nhiều những hệ mặt trời và mặt trời mà chúng ta biết cũng chỉ là một trong số chúng. Không có một ngôi sao nào có thể được coi là trung tâm của vũ trụ vì mọi vị trí chỉ là tương đối. Trái Đất mà ta đang sinh sống cũng không có đặc quyền gì cả, sự sống có thể tồn tại ở đâu đó trong vũ trụ ngoài kia. Theo Bruno, vũ trụ được tạo nên từ các nguyên tử, cả về mặt vật lý và tâm linh; mỗi con người cũng là một nguyên tử có ý thức, bất tử, phản ánh chính mình trong vũ trụ rộng lớn này.[81]

Không mấy ngạc nhiên khi lý thuyết của Bruno bị Giáo hội kịch liệt phản đối. Ông bị Tòa án dị giáo kết tội và nhận án hỏa thiêu sau khi ông từ chối thay đổi quan điểm của mình. Thú vị thay, nhiều giả thiết và phỏng đoán của Bruno vẫn còn ảnh hưởng đến thiên văn học nhiều thế kỷ sau đó. Nhưng ta vẫn phải nhớ rằng, chúng chỉ là những phỏng đoán; với những thông tin mà ta đã biết cho đến nay, Bruno không thực hiện một thí nghiệm hay quan sát nào cả.[81]

Galileo

Galileo đối mặt với Tòa án dị giáo, tranh của Cristiano Banti vào năm 1857.

Một câu chuyện đối nghịch hoàn toàn với Bruno là Galilei Galileo. Ông là giáo sư có thâm niên tại đại học Padua và cũng là nhà toán học hoàng gia cho Đại công tước Medici xứ Tuscany.[81] Sử dụng kính viễn vọng mới được cải tiến của mình, Galileo có thể quan sát được những ngọn núi trên mặt trăng cũng như những đốm đen của mặt trời; và ông rút ra kết luận rằng những thiên thể này cũng được cấu tạo từ những dạng vật chất trên Trái Đất chứ không phải là một dạng tinh chất khác biệt nào đó như Aristotle đã nói. Từ những quan sát về các pha của sao Kim, Galileo thu được những bằng chứng mới ủng hộ cho thuyết nhật tâm của Copernicus. Một trong những thí nghiệm nổi tiếng nhất của Galileo là ông đã thả hai quả cầu cùng chất liệu nhưng có khối lượng khác nhau từ tháp nghiêng Pisa xuống, và chúng đã chạm đất cùng một lúc. Thí nghiệm này đã phủ định kết luận trước đó của Aristotle rằng vật càng nặng thì rơi sẽ càng nhanh.[82] Bằng những thực nghiệm của mình, Galileo có thể bác bỏ rất nhiều khía cạnh trong vật lý của Aristotle - vốn đang rất thịnh hành vào thời điểm đó.[83]

Không mấy ngạc nhiên khi những học giả trung thành với khoa học Aristotle không ưa gì Galileo, nhưng thứ khiến ông gặp rắc rối với tòa án dị giáo là những bình luận của ông về mối quan hệ giữa thuyết nhật tâm và những mô tả trong kinh Thánh, viết rằng mặt trời di chuyển qua bầu trời.[83] Galileo nói rằng, các tác giả của kinh Thánh chỉ đơn giản là đã miêu tả một hiện tượng theo cách phổ biến để mọi người có thể hiểu, nhưng những căn cứ thực sự thì sẽ cần phải được tìm ra bằng khoa học.[84] Hồng y Bellarmine, cũng là người đã kết tội Bruno, phản bác lại rằng, thuyết nhật tâm, dù có được một số các bằng chứng ủng hộ, vẫn chỉ là một giả thuyết và vẫn chưa được thiết lập một cách chắn chắn.[84] Có một điều khá mỉa mai ở đây khi nhà vật lý cho thấy rằng mình có thể phân tích kinh Thánh tốt hơn, trong khi vị Hồng y thì thể hiện khả năng phản biện của một triết gia khoa học. Không có bên nào chiến thắng trong cuộc tranh luận này, Galileo kiên quyết giữ lại những giả thuyết của mình còn Tòa án dị giáo quyết định giam giữ ông vô thời hạn.[84] Câu chuyện về cuộc đối đầu giữa Galileo và Giáo hội cũng như câu nói nổi tiếng của ông (dù người ta không chắc chắn rằng Galileo đã nói điều này): "Dù sao Trái Đất vẫn quay" được lưu truyền từ đó cho đến mãi về sau.[84]

Francis Bacon

Sự hiểu biết, tự nó, là sức mạnh.
— Francis Bacon, trích từ Meditation Sacrae and Human Philosophy
Francis Bacon được coi là cha đẻ của phương pháp nghiên cứu khoa học. Từ thế kỷ 16 trở đi, khoa học được coi là phương thức chính để con người thu nhận kiến thức. Trên hình là hình ảnh nhà thiên văn Tycho Brahe tại đài quan trắc của ông.

Một trong số những nhà triết học nổi bật nhất trong thời kỳ Phục hưng là Francis Bacon. Ông được cho là một trong nhà duy nghiệm đầu tiên, với quan điểm chủ đạo rằng tri thức cần phải được xuất phát từ những kinh nghiệm khách quan.[85] Nhưng di sản lớn hơn của Bacon là ông đã đề ra một phương pháp khoa học để nghiên cứu thế giới, đặt trọng tâm vào việc thu thập dữ liệu và quy nạp để đưa đến tri thức.[85] Năm 1626, vì muốn nghiên cứu về khả năng bảo quản thịt trong nhiệt độ thấp nên Bacon đã nhồi tuyết vào một con gà; không may, ông bị trúng lạnh và qua đời vì viêm phổi ba ngày sau đó; không có ai ghi lại điều gì đã xảy ra với con gà.[86]

Vào thời của mình, Bacon đã nhận ra rằng những phương pháp logic hiện có là không đủ vì nó thiếu một lý thuyết về phát hiện khoa học.[87] Trong cuốn Novum Organum ("Phương tiện tư duy mới"), ông thay thế logic truyền thống Aristotle bằng một phương pháp mới khác biệt và hữu dụng hơn.[88] Với Bacon, mục đích của việc nghiên cứu là nhằm mở rộng sức mạnh của con người đối với thế giới thiên nhiên. Tam đoạn luận của Aristotle sẽ không cung cấp cho chúng ta những kiến thức mới, thứ ta cần bây giờ là phương pháp quy nạp. Quy nạp mà Bacon nói tới không phải là những khái quát nóng vội từ một số lượng ít ỏi các mẫu trong tự nhiên, mà là một quy trình với các bước rõ ràng, xuất phát từ những hiện tượng đơn lẻ và đi theo chiều tăng dần về độ khái quát. Trong quy trình này, người nghiên cứu cũng cần phải tránh để các thiên kiến của mình làm sai lệch kết quả và kết luận thu được.[89]

Quy nạp có thể sẽ giúp ta tìm ra bản chất đang được che giấu của sự vật, vì vậy, nó cần phải được bắt đầu bằng những quan sát liên tục và chính xác. Chẳng hạn, nếu như ta muốn nghiên cứu về bản chất của "nhiệt", ta sẽ phải xem nhiệt xuất hiện khi nào (dưới ánh nắng mặt trời hoặc khi ta quẹt diêm,...) và không xuất hiện khi nào (dưới ánh sáng của mặt trăng và những vì sao), khi nào thì nó xuất hiện nhưng với những trạng thái khác nhau (như nhiệt độ của một con vật tại những thời điểm và môi trường khác nhau).[89] Khi ta thiết lập một bảng các dữ liệu, ta có thể tìm ra điều gì luôn luôn hiện hữu khi nói về nhiệt hoặc điều gì luôn vắng mặt khi không có nhiệt và điều gì khiến kết quả thay đổi... Quy trình này có thể được lặp lại và áp dụng phổ quát.[89] Phương pháp của Bacon không phải là không có những khuyết điểm, tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng: ông đã đặt nền móng cho một phương pháp khoa học phổ biến và có ảnh hưởng lâu dài. Bacon được tôn vinh là "cha đẻ" của phương pháp khoa học,[90] "cha đẻ của triết học thực nghiệm"[91], sử gia William Dixon nhận xét về ông:

Ảnh hưởng của Bacon trong thế giới hiện đại lớn đến mức tất cả những người hiện đang đi tàu hỏa, gửi điện tín, dùng máy cày hơi nước, ngồi trên một chiếc ghế, băng qua kênh hoặc Đại Tây Dương, ăn một bữa tối ngon lành, tận hưởng một khu vườn xinh đẹp, hoặc trải qua một cuộc phẫu thuật không đau đớn, đều nợ ông ấy một thứ gì đó.[92]

Chủ nghĩa duy lý

Descartes

Tôi tư duy, nên tôi tồn tại
— René Descartes, trích từ Bàn về phương pháp
Chân dung René Descartes, phỏng theo tranh của Frans Hals.

René Descartes là một trong những nhà triết học vĩ đại và nổi tiếng nhất vào thế kỷ 17. Ông sinh năm 1596 tại một ngôi làng mà nay đã được đổi tên thành La-Haye-Descartes để tôn vinh nhà triết học. Descartes chưa bao giờ giảng dạy trong một trường đại học nào và ông viết các tác phẩm của mình không phải bằng tiếng Latinh hàn lâm mà bằng tiếng Pháp thông thường để hướng đến số đông công chúng.[93] Ngày nay, trong những di sản mà Descartes để lại, các tác phẩm triết học của ông là được đọc nhiều nhất; nhưng vào thời của mình, Descartes nổi tiếng nhất với những công trình khoa học.[93] Descartes là người đã đặt ra hệ trục tọa độ trong toán học mà nay mang tên ông, bên cạnh đó, ông còn có những nghiên cứu vật lý và khí tượng học.[94] Năm 1637, ông xuất bản ba tiểu luận khoa học kèm theo phần lời tựa Bàn về phương pháp (en. Discourse on the Method); vào thời điểm hiện tại, trong khi những tiểu luận chỉ được đọc bởi những chuyên gia về lịch sử khoa học, phần lời tựa đã được dịch ra hàng trăm thứ tiếng và đến tay hàng triệu độc giả trên thế giới.[94] Ông qua đời vì viêm phổi vào năm 1650.[94]

Trong hệ thống triết học của Descartes, mọi điều đều có thể được giải thích bằng hai phạm trù, hay bằng tính nhị nguyên, của vật chất (en. matter) và ý thức (en. mind). Và quả thực, chúng ta nợ ông cách suy nghĩ rằng: vật chất và ý thức là hai bộ phận tương hỗ, duy nhất và trọn vẹn nhất, cấu thành nên vũ trụ mà ta đang sinh sống này. Với Descartes, con người là một loại vật chất biết suy nghĩ và thành phần trọng yếu nhất của con người là ý thức hay tâm trí. Trong cuộc sống thường ngày, ông công nhận rằng, ý thức và cơ thể của chúng ta hòa hợp chặt chẽ với nhau, nhưng sẽ thật sai lầm nếu coi cơ thể là yếu tố chính làm nên con người ta. Ngoài ra, Descartes cũng nói về tâm trí con người theo một cách khác, trọng tâm của tâm trí con người không phải là trí tuệ mà là khả năng ý thức (en. conscious) hay chính là khả năng mà ta nhận biết những suy nghĩ của chính mình và nhận biết về thế giới xung quanh.[94]

Những giác quan mà ta sử dụng hàng ngày có thể đưa cho chúng ta những thông tin sai lệch. Những đường kẻ ngang trong hình trông có vẻ như dốc nhưng thực tế là chúng song song với nhau.

Descartes cho rằng nhiệm vụ trước nhất của triết học là phải khiến cho một người có thể loại bỏ tất cả những niềm tin của anh ta và nghi ngờ tất cả mọi thứ có thể.[95] Descartes bắt đầu đưa các ví dụ với mức độ khắc nghiệt tăng dần để cho thấy sự chắc chắn trong thế giới này dễ lung lay đến thế nào. Chẳng hạn, chúng ta tri giác và cảm nhận thế giới nhờ những giác quan, nhưng những giác quan này hẳn cũng từng lừa chúng ta không ít lần (như tạo ra các ảo giác), nên chúng không thể là những điểm tựa cho tri thức.[96] Và rồi Descartes đưa ra ví dụ cực đoan nhất, ông tưởng tượng có một con quỷ đầy quyền năng và xấu xa đang đánh lừa ông về tất cả mọi thứ, chính vì vậy mà ông sẽ nghi ngờ về tất thảy mọi sự xung quanh.[97] Nhưng tại chính điểm này, Descartes nhận ra có một niềm tin chắc chắn, một niềm tin mà ông sẽ không bao giờ phải hoài nghi: đó là niềm tin rằng chính ông đang tồn tại. Mỗi khi ta nghĩ hay nói: "Tôi tồn tại", ta không thể sai, vì nếu ta không hiện hữu, làm sao ta có thể nghi ngờ rằng ta có đang tồn tại hay không.[97] Ông thể hiện ý tưởng này qua câu nói nổi tiếng: "Tôi tư duy, nên tôi tồn tại." Với Descartes, việc chắc chắn về sự tồn tại của bản thân mình cho ông một điểm tựa vững chắc; nó giúp ông không bị rơi vào vòng xoáy hoài nghi và cho phép ông rời khỏi chủ nghĩa hoài nghi và đi đến với tri thức.[98]

Descartes có ảnh hưởng rất lớn đến nền triết học nói chung. Ông thường được coi là cha đẻ của triết học hiện đại khi ông trao cho bộ môn này sự chắc chắn của toán học mà không cần viện đến bất kỳ giáo lý hay thẩm quyền nào. Descartes cũng nổi tiếng với việc đã tách biệt vật chất và ý thức với vai trò là hai bản thể tách biệt, thứ mà ta sẽ gọi là thuyết nhị nguyên Descartes. Triết học những thế kỷ sau ngày Descartes mất được ngự trị bởi những triết gia hoặc phát triển tư tưởng ông hoặc xem nhiệm vụ chính của mình bác bỏ những ý tưởng này, như Spinoza hay Leibniz.[99]

Spinoza

Chân dung của Baruch Spinoza.

Baruch hoặc Benedictus Spinoza là một trong số những người kế tục quan trọng của Descartes và một trong những điều ông quan tâm là mối quan hệ giữa triết học Descartes và Chúa trong các kinh sách Do Thái. Spinoza bị rút giấy phép thông công vào năm 1656 vì không chấp nhận một số các giáo điều Do Thái. Spinoza sinh hoạt và làm việc như một nhà tư tưởng độc lập: ông không nhận các lời mời đến từ những đại học hay những cá nhân tên tuổi vào thời điểm đó. Ông kiếm sống bằng một nghề khá thú vị vào thời điểm đó là mài kính thủy tinh, không may, đây cũng là một trong những lý do dẫn đến cái chết của ông. Spinoza mất năm 1677 do bệnh phổi, một phần là do ông đã hít phải bụi thủy tinh trong quá trình làm việc.[100]

Một trong những khái niệm trung tâm của triết học Spinoza là quan điểm nhất nguyên luận của ông: Spinoza cho rằng chỉ có một bản thể vô hạn và duy nhất là "Chúa hay Thiên nhiên" (Deus sive Natura). Sự xác định "Chúa" và "Thiên nhiên" trong câu này có thể được hiểu theo hai cách khác nhau. Nếu như ta coi Spinoza đã dùng từ "Chúa" chỉ để nói về hệ thống tổ chức diệu kỳ tự nhiên thì ông có vẻ là một người vô thần (hoặc phiếm thần).[100] Nhưng nếu theo cách ngược: coi Thiên nhiên là Chúa, hay nói theo cách khác là mỗi khi các nhà khoa học nói điều gì về tự nhiên thì thực ra họ đều đang nói về Chúa thì ta lại thấy rằng: Spinoza có vẻ như là, theo chữ của Kierkegaard, một người bị "ngộ độc bởi Thiên Chúa".[101]

Trước đó, Descartes đã định nghĩa "bản thể" (en. Substance) là: "thứ mà không cần gì ngoài chính nó để tồn tại" và như ta đã thấy, Descartes cho rằng có hai phạm trù bản thể chung nhất là Vật chất và Ý thức. Spinoza không có cùng quan điểm như vậy, theo ông, có và chỉ có Chúa là có thể thỏa mãn định nghĩa này một cách chặt chẽ nhất, vì Chúa đã tạo ra tất cả và mọi điều cũng có thể bị tiêu diệt bởi Chúa.[101] Vật chất và Ý thức không phải là các bản thể; tính chất nổi bật nhất của hai khái niệm này là quảng tính (en. Extension) và Ý tính (en. Thought) thì cũng chỉ là những thuộc tính khác nhau của một bản thể Chúa duy nhất mà thôi.[102] Spinoza tiếp tục: vì Chúa là vô hạn, nên Ngài cũng sẽ có vô hạn những thuộc tính, nhưng quảng tính và ý tính là hai thuộc tính mà con người có thể cảm nhận được.[102]

Nếu coi Chúa là một bản thể duy nhất thì ở cấp độ vi mô hơn ta có thể thấy rằng, những sự vật hoặc cá thể quanh ta chỉ là những phiên bản được nhận thức theo một trong các thuộc tính mà thôi. Chẳng hạn như tâm trí của con người là một phiên bản được tri nhận bằng ý tính, còn bộ não thì cũng là phiên bản đó nhưng được tri nhận theo quảng tính. Và như ta đã chỉ ra trước đó, hai thuộc tính này cũng chỉ là những thuộc tính của một Chúa duy nhất, nên mọi sự vật trong thế giới đều mang trong mình yếu tính của Ngài; thế giới tự nhiên là một hệ thống duy nhất, thống nhất và tự chứa trong mình tất cả những lý giải về chính nó.[103] [104]

Leibniz

Bản sao máy tính cơ của Leibniz, được trưng bày tại Viện bảo tàng Đức

Gottfried Wilhelm Leibniz sinh năm 1646, là con của một giáo sư triết học tại trường đại học Leipzig. Ngay từ khi còn rất trẻ thì Leibniz đã đọc các tác phẩm siêu hình học và đến khi 13 tuổi thì ông đã quen thuộc với tác phẩm các học giả đi trước.[105] Leibniz sau này đã thành lập và là chủ tịch đầu tiên của Học viện Hoàng gia Phổ. Ông thông thạo rất nhiều các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan đến toán họclogic học. Leibniz đã chỉnh sửa và nâng cấp máy tính toán trước đó của Pascal, ngoài ra ông cũng hiệu đính và tinh chỉnh hệ số nhị phân, đây đều là những cải tiến quan trọng và là tiền đề cho khoa học máy tính trong tương lai.[106] Trong toán học, Leibniz nổi tiếng vì cuộc tranh chấp dữ dội giữa ông và Newton về bản quyền của công trình vi tích phân (hai ông tìm ra phép tính này độc lập và sử dụng những phương pháp khác hẳn nhau). Ngày nay, định lý về vi tích phân mang tên cả hai nhà khoa học lỗi lạc, nhưng hệ thống kí hiệu của Leibniz thuận tiện hơn nên đã trở thành chuẩn mực trong thời điểm hiện tại.[107]

Vòng tròn chấm, được sử dụng trước tiên bởi những môn đệ phái Pythagore và sau đó là những người Hy Lạp, thể hiện cho thực thể siêu hình đầu tiên, đơn tử hay monad.

Leibniz chưa bao giờ xuất bản những tư tưởng triết học của ông một cách hệ thống và hoàn chỉnh, do vậy, nghiên cứu tổng thể về triết học của ông không phải là nhiệm vụ đơn giản.[108] Leibniz lập luận rằng, những thứ gì phức tạp ắt phải được cấu tạo từ những thứ đơn giản hơn, và những thứ đơn giản này phải không mang cho mình những đặc điểm về quảng tính (ví dụ như chiều dài, chiều rộng và chiều cao), vì nếu vậy thì chúng sẽ có thể được chia nhỏ hơn nữa.[109] Ta biết rằng, những thứ gì thuộc về vật chất đều có trong mình đặc điểm về quảng tính, vì vậy, thành phần đơn giản mà ta đang tìm kiếm là phi vật chất, có phần giống với những "ý niệm" hay "linh hồn" hơn; và Leibniz gọi đó là các đơn tử (en. Monad). Những đơn tử này tồn tại độc lập, không phát triển cũng như không bị tàn hoại và chúng không phụ thuộc vào thứ gì ngoài Chúa. Tuy nhiên, những đơn tử này có thể biến đổi, như ta sẽ thấy ngay sau đây.[109]

Hãy lấy ví dụ, nếu như ta nhìn thấy một bông hoa hồng, như vậy thì trong đầu của ta có xuất hiện hình ảnh của bông hoa này, vậy thì có phải là đơn tử (liên quan đến ý niệm) của ta thay đổi và bị tác động hay chịu ảnh hưởng từ bông hoa hay không.[109] Leibniz nói rằng: Không, đơn tử có thể biến đổi để phản ánh thế giới, nhưng không phải do nó chịu tác động từ thế giới mà do nó đã được lập trình để biến đổi đồng bộ với thế giới; sự biến đổi của đơn tử là từ bên trong, chứ không phải bên ngoài. Điều này giống như là nếu tất cả các chiếc đồng hồ được chuẩn hóa và chính xác tuyệt đối, chúng sẽ đánh chuông vào những thời điểm giống hệt nhau dù giữa chúng không có mối liên hệ nào. Do vậy, Chúa, người thợ đồng hồ vĩ đại của vũ trụ, đã tiền thiết lập trạng thái hòa hợp của vũ trụ thông qua các đơn tử.[109] Do đó, có thể nói, mỗi đơn tử chứa đựng trong mình sự tái hiện hoàn chỉnh của vũ trụ ở cả quá khứ, hiện tại và tương lai.[110]

Leibniz phát biểu rằng tâm trí của con người cũng là một đơn tử, chứa đựng trong đó sự tái hiện của cả vũ trụ. Do vậy, về nguyên tắc thì chúng ta có thể học hỏi và biết được mọi thứ trên thế giới hoặc vượt ra ngoài thế giới chỉ bằng cách suy luận và thăm dò tâm trí của chính mình.[110] Chẳng hạn, nếu như suy luận và phân tích đủ lâu thì chắc chắn ta có thể biết được nhiệt độ hiện tại trên Mặt trời là bao nhiêu, tuy nhiên những phân tích thế này có thể sẽ cực kỳ dài hoặc thậm chí là vô hạn (theo Leibniz thì chỉ có Chúa mới có thể thực hiện được những phân tích như vậy[109]), bởi vậy nên nếu ta muốn biết những thông tin này thì sẽ cần phải sử dụng những dụng cụ đo đạc và thực hiện những thí nghiệm.[110] Quan điểm cho rằng kiến thức có thể được thu nhận nhờ suy luận và tư duy là đặc điểm rất nổi bật của chủ nghĩa duy lý.

Chủ nghĩa duy nghiệm

John Locke

Chân dung John Locke, được vẽ bởi Kneller

Khi nghiên cứu về lịch sử triết học, John Locke thường được coi là cha đẻ của chủ nghĩa duy nghiệm. Ông sinh năm 1632 trong một gia đình khá giả. Locke được hưởng một nền giáo dục rất tốt, ông được theo học tại trường Westminster ở Luân Đôn và sau đó là tại trường đại học Oxford. Dù những ý tưởng triết học của Locke về chủ nghĩa duy nghiệm có tạo ra được những ảnh hưởng nhất định, thứ đem lại cho ông nhiều tiếng tăm nhất lại là những tác phẩm viết về chính trị. Ông đã đưa ra các học thuyết đề cập đến nhiều lĩnh vực xã hội khác nhau như tính hợp pháp của chính quyền, việc tư hữu và một số các vấn đề liên quan đến tôn giáo.[111] Locke từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính phủ nước Anh. Vào cuối đời, ông lui về sống ở nông thôn cách khá xa Luân Đôn và yên vui đọc sách cũng như viết lách. Ông ra đi trong nhẹ nhàng vào năm 1704.[112]

Một trong số những mâu thuẫn lớn nhất giữa chủ nghĩa duy nghiệm và chủ nghĩa duy lý là khi nói về những "ý tưởng bẩm sinh".[113] Những nhà triết học theo chiều hướng duy lý, từ Plato cho đến Leibniz, cho rằng: con người sinh ra đã mang trong mình những ý niệm bẩm sinh, tức là những ý niệm có được mà không cần phải trải qua kinh nghiệm.[114] Plato cho rằng, mọi tri thức đích thực vốn dĩ đều đã nằm bên trong mỗi con người, tuy nhiên khi ta chết đi và linh hồn đầu thai sang một thân xác mới thì ta đã quên đi tất cả; vì vậy, nếu theo Plato: quá trình học hỏi không cho ta thêm những ý tưởng mới mà giống như giúp ta "hồi tưởng" lại những ý niệm vốn đã sẵn có hơn.[115] Một đại diện khác là Leibniz, như đã phân tích ở trên, cũng cho rằng ta có thể đạt được tất cả tri thức nhờ vào một chuỗi các quá trình phân tích và suy luận.

Với Locke, tâm trí của mỗi người khi sinh ra giống như một tấm bảng trống trơn, chỉ có kinh nghiệm mới in dấu hay viết lên tấm bảng này.

Học thuyết về "ý tưởng bẩm sinh" là một trong những thứ "rác rưởi" mà Locke muốn quét đi nhất trên "con đường đi đến tri thức".[114] Ông kịch liệt phản đối ý tưởng cho rằng con người sở hữu bất cứ loại tri thức bẩm sinh nào. Một số người cho rằng: những nguyên tắc vô cùng phổ quát như "Một cộng một bằng hai" hay "Một vật không thể vừa tồn tại vừa không tồn tại" là những ví dụ cho ý niệm bẩm sinh - những tri thức có sẵn trong mỗi con người, Locke không đồng tình với ý kiến này.[114] [116]Ngay cả khi những nguyên lý này tương đối hiển nhiên và phổ biến, không có gì chứng minh rằng chúng là bẩm sinh, có nhiều lý do để khiến người ta có cùng một ý tưởng.[116] Chẳng hạn, mọi người ở mọi dân tộc đều biết rằng "lửa thì nóng", nhưng đó là do trải nghiệm của con người là đồng nhất (cảm nhận được nhiệt của lửa) chứ không phải do một tri thức bẩm sinh ("lửa thì nóng") được cài sẵn nào đó. Locke tiếp tục nói rằng, ngay cả những nguyên tắc logic (chẳng hạn như "một cộng một bằng hai") cũng không phổ quát hoàn toàn: nhiều trẻ em, những người có vấn đề về trí tuệ hay những người không nghiên cứu về khoa học sẽ không có hiểu biết về những ý tưởng này. Thật vô lý khi nói rằng con người sở hữu sẵn những ý niệm nhưng lại không thể tiếp cận được chúng.[114]

Quan điểm của Locke là, tâm trí của mỗi đứa trẻ được sinh ra là một tabula rasa ("tấm bảng trống"), hoàn toàn không chứa bất kỳ một ý niệm sẵn có nào cả.[117] Sau đó, ta trải nghiệm thế giới và những kinh nghiệm này được hằn lại trên tấm bảng trắng đó. Nhờ quá trình tiếp xúc với thế giới mà ta thu được những ý tưởng, bộ não của con người không thể tạo ra ý tưởng mới hoàn toàn, nó chỉ có thể ghi lại những ý tưởng thông qua trải nghiệm mà thôi. Locke cho rằng có hai loại ý tưởng đơn giản, một loại là những ý tưởng đến từ cảm giác, ví dụ như màu sắc, mùi vị, nhiệt độ,... và một loại là những ý tưởng có được khi ta suy tư hay còn được gọi là "tri thức khi xem xét nội tâm", chẳng hạn như hiểu biết, ý chí, cảm xúc... Với ông, không có một tri thức nào có thể có nguồn gốc vượt ngoài hai loại ý tưởng này hay nói cách khác, một người bị mù bẩm sinh thì không thể có ý niệm về màu đỏ.[118]

Berkeley

Tồn tại tức là được tri nhận
— George Berkeley

George Berkeley là một trong những triết gia nổi bật nhất của đất nước Ireland, ông sinh ra và lớn lên tại một vùng đất gần lâu đài Dysart.[119] Vào năm 1714, khi đã viết sau các tác phẩm triết học chính của mình, ông rời khỏi Ireland và du hành quanh châu Âu. Qua chuyến đi này, ông cho rằng nền văn hóa ở châu Âu đang mục ruỗng dần nhưng ở phía bên kia đại dương, châu Mỹ đang đón những luồng tư tưởng hết sức mới mẻ. Berkeley cũng có ý định mở một trường đại học trên đảo Bermuda để dành cho con em những trại chủ người Anh và những thổ dân Indian nơi đây, không may, ông không nhận được nguồn vốn và ý định phải bỏ dang dở. Dù vậy, ảnh hưởng của Berkeley đến với nền giáo dục Mỹ là không hề nhỏ, ông đã dành tặng một thư viện vào hạng tốt nhất lúc bấy giờ cho trường Đại học Yale (lúc đó vốn còn là một trường đại học nhỏ và khó khăn) cũng như quyên rất nhiều sách cho Đại học Harvard. Nhiều trường đại học tại Mỹ và một thành phố ở California đã được đặt tên Berkeley để tưởng nhớ đến công lao của ông.[120]

Giống như Locke, Berkeley coi kinh nghiệm là nguồn gốc chính yếu của tri thức. Nhưng Berkeley cho rằng chủ nghĩa duy nghiệm của Locke vẫn còn "mềm mỏng" vì hệ thống này vẫn cho phép tồn tại một thế giới độc lập với giác quan (thế giới vật chất) và vẫn còn bám lấy cách nhìn của Descartes khi cho rằng con người được cấu tạo từ hai bản thể chung nhất là vật chất và tinh thần. Chủ nghĩa duy nghiệm Berkeley cực đoan hơn của Locke nhiều, theo ông, chỉ có một loại bản thể trong vũ trụ, chính là tinh thần hay ý nghĩ chứ không phải vật chất. Hệ thống của Berkeley chỉ chấp nhận sự tồn tại của hai thứ là ý thức và những ý tưởng được cảm nhận;[121] ta có thể tóm gọn quan điểm của Berkeley bằng câu châm ngôn của chính ông: "Tồn tại tức là được tri nhận."[119]

Như đã chỉ ra từ trước đó, Locke cho rằng thế giới vật chất có thể tác động đến các giác quan của ta và giúp hình thành nên những ý tưởng, vậy là thế giới vật chất sẽ đóng vai trò là nguyên nhân còn những ý tưởng mà ta có được là kết quả của quá trình tương tác.[122] Berkeley hoàn toàn bác bỏ quan điểm cho rằng có những vật chất tồn tại độc lập với tinh thần của ta, ông lập luận như sau:[123]

  1. Những vật ta cảm nhận được (ví dụ như ngôi nhà, quả táo,...) được đem lại cho ta trong trải nghiệm cảm giác.
  2. Những gì ta trải nghiệm và cảm giác được cấu thành hoàn toàn từ những ý tưởng của ta.
  3. Ý tưởng thì chỉ tồn tại trong tâm trí.
  4. Do vậy, những vật mà ta cảm nhận được chỉ tồn tại trong tâm trí.

Ta sẽ xem xét ví dụ về "quả táo" để làm rõ cách tiếp cận của Berkeley. Ta muốn đề cập đến điều gì khi nói về "quả táo"? Khi miêu tả hoặc nghĩ về quả táo, thường ta sẽ nói nó có màu đỏ, giòn và có vị ngọt, nhưng tất cả những đặc tính mà ta vừa nêu đều là những trải nghiệm hoặc cảm giác của ta về quả táo (bước 1). Ta nhận thấy rằng khái niệm của ta về quả táo thực ra là một tập hợp của những ý tưởng khác nhau (màu đỏ, giòn và ngọt), và do vậy: chúng chỉ tồn tại trong tâm trí của chính ta (bước 2 và 3). Có một điểm đáng lưu ý khi ta nói về quả táo, đó là ta không đề cập đến đặc tính vật chất của đối tượng này. Nếu nói đặc tính vật chất của quả táo là sự giòn hay độ cứng của nó thì ta chẳng qua cũng đang miêu tả một trải nghiệm hay cảm giác; còn nếu nói khía cạnh vật chất của quả táo tồn tại nhưng không thể tri nhận thì ta đã vi phạm xuất phát điểm của chủ nghĩa duy nghiệm. Vậy thì, quả táo mà ta biết chỉ tồn tại dưới dạng một loạt những ý tưởng trong tâm trí của ta (bước 4).[123]

Như vậy, nếu gạt đi tất cả những đặc điểm mà ta tri nhận được ở quả táo - hình dáng, màu sắc, mùi vị,... - ta sẽ thu được một thứ vật chất "trống không" gì đó. Hơn nữa, vì ta không thể mô tả được bản chất của nó (ta chỉ có thể mô tả những ý tưởng mà ta cảm nhận được), liệu ta có chắc rằng thứ vật chất "trống không" mà ta đang có thực sự tồn tại? Vì vậy, với Berkeley, những ý tưởng của ta không phải được gây nên bởi quả táo, những ý tưởng của ta thực sự là quả táo. Như vậy, một vật sẽ chỉ tồn tại chừng nào chúng được tri nhận, nhờ vậy mà ta hiểu câu châm ngôn: "Tồn tại tức là được tri nhận" của ông. Góc nhìn phủ định hoàn toàn sự tồn tại vật chất khách quan của Berkeley có vẻ lạ lùng, kỳ quặc hoặc tệ nhất, điên khùng. Dù vậy, câu hỏi cũng như lập luận của Berkeley về những thứ mà ta có thể tri giác được vẫn ám ảnh triết học qua nhiều thế kỷ cho đến tận ngày nay.[123]

David Hume

Tập quán là chỉ dẫn tuyệt vời cho đời sống con người
— David Hume, trích trong cuốn Tìm hiểu về giác tính của con người

David Hume sinh ra tại Edinburgh, Scotland vào năm 1711. Ông đỗ vào trường Đại học Edinburgh khi chỉ mới 12 tuổi và hoàn thành công trình để đời Khảo luận về bản chất con người khi chưa đầy 30 tuổi.[124] Dù được coi là kinh điển trong triết học vào thời điểm hiện tại nhưng vào thời của Hume, công trình được đón nhận với sự dửng dưng đáng kinh ngạc. Một bước lùi nữa trong sự nghiệp của Hume không được làm giáo sư giảng dạy của trường Đại học Edinburgh, vị trí mà ông rất cố gắng để đạt được.[125] Trong quãng đời của mình, Hume thường biết đến với vai trò là một nhà sử học hơn là một nhà triết học, ông đã xuất bản bộ sách lịch sử đồ sộ Lịch sử nước Anh - công trình đem lại tiếng tăm mà ông hằng mong ước.[125][126] Vào năm 1763, Hume được đề bạt làm trong Đại sứ quán ở Paris, nơi ông kết giao với triết gia Jean-Jacques Rousseau và dần được công chúng biết đến nhiều hơn với vai trò là một nhà triết học.[124] Hume qua đời năm 1776, có thể là do ung thư hoặc viêm đại tràng.[127]

Vấn đề nổi tiếng và gay gắt nhất mà Hume để lại trong triết học thời cận đại là quan hệ nhân quả.[128] Hãy xem xét một ví dụ cụ thể, ta đưa tay vào ngọn lửa và cảm thấy đau, ta sẽ nghĩ ngay rằng ngọn lửa chính là nguyên nhân làm chúng ta đau đớn. Nhưng Hume cho rằng, thứ ta đã trải nghiệm là hai cảm tưởng riêng biệt, đó là: "ngọn lửa" và cảm giác "đau đớn", vậy thì mối quan hệ nhân quả nằm ở đâu?[129] Hume phân tích ra ba đặc điểm có thể khiến ta rút ra mối quan hệ nhân quả từ những kinh nghiệm như vậy, đó là:

  1. Mối quan hệ về sự tiếp nối. Trong ví dụ của ta, tay ta tiếp xúc với ngọn lửa và ta cảm thấy đau đớn; nếu có ai đó quẹt lửa cách ta 100 mét mà ngón tay ta cảm thấy đau thì ta sẽ hiếm khi cho rằng ngọn lửa là nguyên nhân cho đau đớn của ta. Một ví dụ khác là khi ta bật công tắc thì đèn (dù cách công tắc một khoảng cách đáng kể) sáng thì đó là do có đường dây kết nối bóng điện với công tắc.
  2. Mối quan hệ về ưu tiên thời gian. Khi ta đưa tay vào lửa thì ta ngay lập tức cảm thấy đau đớn, nhưng nếu như tay ta đau trước khi ta đưa tay chạm vào lửa thì ta cũng sẽ không đưa ra kết luận là ngọn lửa là nguyên nhân gây ra đau đớn cho ta.
  3. Nhưng hai yếu tố trên là không đủ để đưa ra mối quan hệ nhân quả, cần có thêm khái niệm về sự kết nối thường trực. Nếu như ta gãi đầu và thấy trời đổ mưa thì ta cũng sẽ không coi đó là hai sự kiện có mối quan hệ nhân quả với nhau: vì ta cũng từng thấy trời đổ mưa khi ta không gãi đầu và nếu ta gãi đầu thì không phải lúc nào trời cũng mưa. Ta sẽ chỉ coi mối quan hệ của hai sự kiện này là một sự trùng hợp. Nhưng ví dụ với lửa và đau thì lại khác, hai sự kiện này thường xuyên đi đôi với nhau, hay nói cách khác, ta thường xuyên quan sát được "sự đau" thường xuất hiện sau "ngọn lửa".[129]
"Thiên nga đen" là một ẩn dụ nổi tiếng cho triết học của Hume. Dù ta chỉ quan sát được thấy thiên nga có màu trắng, điều này là không đủ để quy nạp thành: "Tất cả thiên nga đều có màu trắng".

Nhưng Hume cho rằng: thuyết nhân quả không thể đứng vững nếu được xem xét kỹ lưỡng.[130] Thuyết nhân quả chỉ đúng với những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ, còn tương lai thì ta không thể chắc chắn, ta không thể chắc lần tới tay ta chạm vào lửa thì cảm giác đau có xuất hiện hay không.[129] Rõ ràng, việc tay ta chạm vào lửa mà không thấy đau là có thể hình dung ra được và nó không vi phạm nguyên tắc logic nào (ngược lại, nếu ta phủ định những mệnh đề toán học như "một cộng một bằng hai" thì sẽ gây ra những mâu thuẫn về mặt logic). Mặt khác, điều này cũng không thể được giải thích bằng kinh nghiệm, vì ta không thể trải nghiệm tất cả các lần "chạm vào lửa" để xem chúng có dẫn đến "đau đớn" hay không.[131] Như vậy, đơn thuần việc quan sát rằng sự kiện B (ở đây là "đau") luôn theo sau sự kiện A (ở đây là "lửa") không phải là cơ sở hữu lý để ta tin rằng sự kiện B được gây ra bởi sự kiện A.[131] Trong thí nghiệm nổi tiếng của Pavlov về phản xạ có điều kiện, nhà sinh lý học người Nga rung chuông ngay trước khi cho những con chó của mình ăn. Hai sự kiện này gắn bó mật thiết với nhau đến mức dần dần lũ chó sẽ tiết nước bọt mỗi khi nghe thấy tiếng chuông kêu. Hiển nhiên, tiếng chuông kêu không nhất thiết phải liên quan đến việc đưa thức ăn, nhưng hai sự kiện này đã được gắn chặt với nhau trong tâm thức của những chú chó tham gia thí nghiệm. Liệu những sự kiện mà ta hay cho gắn bó với nhau (như "lửa" và "đau" chẳng hạn) có khác nhiều so với ví dụ trên?[132]

Nếu như cả kinh nghiệm lẫn suy luận đều không phải là cơ sở để ta thiết lập mối quan hệ nhân quả, đâu là nền móng khi ta tạo ra mối quan hệ này? Câu trả lời của Hume là thói quen hay tập quán, nói cách khác, đó là một đặc điểm tâm lý của con người cho phép chúng ta tin vào một thứ gì đó kể cả khi không có bằng chứng.[133] Như vậy, Hume đã giáng một đòn mạnh mẽ vào chủ nghĩa duy lý, đặc biệt là phương pháp quy nạp, khi ông nói rằng: niềm tin, do tập quán dẫn lối, mới là trung tâm trong những tuyên bố nhận thức của chúng ta chứ không phải lý tính.[134] Triết học ra đời khi những nhà tư tưởng bắt đầu đặt câu hỏi về những tập quán, niềm tin cũng như nỗ lực để tìm ra nền tảng hữu lý cho hiểu biết của mình về thế giới, nhưng Hume nói rằng những nền tảng hữu lý là không thể tìm thấy và ta sẽ lại quay về với những tập quán hay những niềm tin trước triết học.[135]